• (08) 3965.0424 - (08) 3965.0427
Hôm nay, ngày 29 tháng 3 năm 2024, 2:31 (GMT + 7) Tìm kiếm

THUỐC MỚI NGỬA SỐT RÉT HIỆU QUẢ

Thứ Năm, 21 Tháng hai 2013, 14:56 GMT+7

- Các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện ra một họ hợp chất tạo nên một thế hệ thuốc kháng sốt rét mới, không những có thể loại bỏ các triệu chứng mà còn ngăn ngừa được căn bệnh chết người này.

Trong nghiên cứu đăng trên ấn phẩm Science Express, TS. Elizabeth Winzeler và đồng nghiệp mô tả một số hợp chất hiệu quả hơn các loại thuốc đang bán trên thị trường hiện nay.
 
Hầu hết các loại thuốc trên thị trường hiện nay chỉ có tác dụng khi ký sinh trùng sốt rét đi vào máu, và những loại không có tác dụng bảo vệ gan lại gây ra nhiều tác dụng phụ. Thế hệ các hợp chất mới hoạt động ở cả gan và máu.
 
Ký sinh trùng Plasmodium lây sang người qua đường muỗi đốt. 30 phút sau khi muỗi mang ký sinh trùng này đốt người, ký sinh trùng đi vào gan và phát triển trong 8 ngày mà không gây ra triệu chứng gì. Trong một số trường hợp, ký sinh trùng thậm chí còn ẩn trong gan và tồn tại trong nhiều tháng đến nhiều năm.
 
Khi giai đoạn này kết thúc, ký sinh trùng rời gan và nhiễm vào tế bào máu để sinh sôi. Chúng tiết ra chất độc khiến người bệnh bị sốt, ớn lạnh, đau đầu và một số triệu chứng khác có thể dẫn tới tử vong.
 
Các nhà nghiên cứu đã xác định được các hợp chất liên quan tới hoá chất imidazolopiperazine từ việc khai thác dữ liệu về những chất hoạt động hiệu quả ở cả gan và máu.
 
Họ hợp chất imidazolopiperazine không liên quan tới những loại thuốc dành cho người sốt rét hiện nay. Khi những hợp chất này được thử nghiệm ở chuột, chúng có thể bảo vệ gan của chuột miễn nhiễm hoàn toàn với ký sinh trùng sốt rét, và hiệu quả bảo vệ các tế bào máu cũng cao hơn những loại thuốc hiện nay.
 
Bất chấp nhiều nỗ lực chống lại bệnh sốt rét trên toàn cầu, căn bệnh này vẫn hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 225 triệu người bị nhiễm sốt rét chỉ trong năm 2009, và gần 800.000 người trong số đó thiệt mạng. Sốt rét thường hoành hành ở những khu vực nghèo và dễ bị tổn thương nhất như châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
 
Theo Đất Việt